Đố bạn dịch được cách viết chữ của giới trẻ bây giờ

"Ôi trời ơi!" - Một phụ huynh thốt lên khi nhìn thấy văn bản ký tự ngoằn ngoèo của con mình gửi cho bạn...


Ngày nay, khi công nghệ thông tin phát triển hiện đại thì ngôn ngữ của teen nhân “cơ hội” đó mà biến hóa ít nhiều.

Mục đích ban đầu của việc mã hóa ngôn ngữ là vì giới trẻ không muốn cho phụ huynh biết những điều thầm kín, bí mật hay các cuộc trao đổi với bạn bè. 

Nhưng bây giờ, ngoài việc giữ bí mật ra còn có nhiều lí do khác nhau như: đỡ mất thời gian, tạo phong cách khác biệt, chơi chữ, hay chỉ đơn giản là tìm kiếm sự quan tâm của người đọc. Đôi khi, giới trẻ còn tăng sự “khác biệt” khi sử dụng nhiều kiểu chữ “sáng tạo” với nhau.
Đố bạn dịch được cách viết chữ của giới trẻ bây giờ
Một trào lưu chữ viết được giới trẻ quan tâm

Ngôn ngữ tin nhắn

Loại ngôn ngữ này xuất hiện khi phương thức liên lạc bằng điện thoại bùng nổ. Khi nhắn tin bằng điện thoại di động, người ta thường có xu hướng viết tắt các từ, rút gọn câu, sử dụng tiếng lóng hoặc bỏ những chữ cái không cần thiết để tiết kiệm thời gian. Lâu dần, lối viết này trở thành trào lưu và được xem là “thời thượng” trong giới trẻ.
Một tin nhắn với ngôn từ "biến hóa"

Nhà văn Joseph Ruelle (tên thường gọi là Joe), người Canada nổi tiếng vì viết blog tiếng Việt, đã từng đăng một bài tựa đề “Tiếng Việt thời @” lí giải từng bước trào lưu này. 

“Dù sao ngun ngữ kũg hôg fản ánh đc kảm xúc kủa con ng bằg hìn ảnh, và hôg có hìn ảnh nào fản ánh kảm xúc kủa kon ng như mụt gươg mặt! hihi! Sao? Bạn hôg tin hà? Bạn k tin Mr. Joe tội nghiệp hả? Bùn kừi wá nhỉ! Mìn hôg nói dzối đâu nhá!” (trích trong bài “Tiếng Việt thời @”)

(Dịch: Dù sao ngôn ngữ cũng không phản ánh được cảm xúc của con người bằng hình ảnh, và không có hình ảnh nào phản ánh cảm xúc của con người như một gương mặt! Hihi! Sao? Bạn không tin hả? Bạn không tin Mr.Joe tội nghiệp hả? Buồn cười quá nhỉ? Mình không nói dối đâu nhá!)

Viết chữ bằng số

Trào lưu này rộ lên bắt nguồn từ bộ truyện tranh nổi tiếng Conan khi tác giả đã biến chữ “KID” (tên của siêu đạo trộm trong truyện) thành 1412 (14 = KI, 12 = D). Từ đó, giới trẻ sáng tạo ra nguyên bộ chữ cái bằng số để có thể sử dụng thuận tiện.
Bảng chữ cái bằng số do các bạn trẻ sáng tạo ra

Sẽ có rất nhiều bảng chữ thành số khác nhau tùy vào người “sáng tác” nhưng đa phần, nguyên tắc chung khi viết chữ thành số là các con số phải có nét giống chữ cái mà mình sử dụng. Chẳng hạn, chữ A sẽ là 4, chữ I là 1, chữ G là 6…

Mã hóa thành kí tự

Thời gian trước, cư dân mạng xôn xao bởi lá thư của chàng trai trẻ gửi cho một cô gái, nội dung được viết bằng những kí tự mã hóa phúc tạp dài hơn 500 chữ, có đoạn như sau: "PvF_ §º PvCl][(¬` PvF_ (Cl][(¬` ]µ F_/v ††|]` F_/v §F_~ ][(¬†|]~ PvF_ ††|µº][(¬ †|Cl] F_/v.§º ]_Cl/v".††|Cl† §µ PvCl†" §º". (Dịch: Sợ rằng càng yêu em thì em sẽ nghĩ thương hại em, sợ lắm. Thật sự rất sợ).
Một đoạn mã kí tự trên mạng

Thực tế, anh chàng này cũng chỉ là một người trong làn sóng sáng tạo ra kiểu mật ngữ teen mà thôi. Thậm chí, để giúp các vị phụ huynh hay những thế hệ trước hiểu hơn, một nữ sinh trường Trần Đại Nghĩa (Q.1, Tp.HCM) đã xây dựng phần mềm có tên V2V (Việt sang Việt) nhằm dịch các loại ngôn ngữ siêu việt của giới trẻ.

Theo đó, loại ngôn ngữ này được hình thành từ việc dùng các kí hiệu (symbols) hoặc các kí tự đặc biệt (special characters) để sắp xếp thành chữ cái.

Viết chữ ngược

Dựa vào một số thủ thuật trên mạng, giới trẻ “rầm rộ” cách viết chữ ngược bởi nó không quá phức tạp, không cần phải nhớ quy tắc. Người đọc chỉ cần quay ngược 180 độ để có thể hiểu được nội dung của đoạn văn chữ ngược.
Những dòng chữ đảo ngược thu hút giới trẻ

Muốn viết được kiểu chữ này, các bạn trẻ chỉ cần vào các trang web chuyển đổi chữ ngược. Với thao tác đơn giản là nhập đoạn text bằng tiếng Việt chuẩn, hệ thống tự động đảo ngược chữ, là có thể tha hồ copy đoạn chữ ngược đó vào bài viết, comment trên blog, status yahoo hoặc facebook để tạo sự lạ mắt với bạn bè.

Viết tắt “tất tần tật”

Chỉ viết chữ cái đầu tiên của từ trong một câu hay một đoạn văn là xu hướng của nhiều bạn trẻ hiện nay. Những dòng hay đoạn văn được viết tắt kiểu này được gọi là “code”, hành động giải mã là “decode” và người dịch được là “decoder”.

Bạn Minh Thành (18 tuổi, Tp.HCM) kể lại: “Người yêu mình hay đăng những status viết tắt trên facebook khiến mình phải nhờ vả bạn bè giải mã giùm để có thể hiểu được người yêu đang nghĩ gì, muốn gì. Gần đây nhất là dòng: “Evcđcmnctyebctt!”, bạn mình đã giải được: “Em vẫn chờ đợi một người có thể yêu em bằng cả trái tim!”.
Những lời nhờ vả "decode" xuất hiện rất nhiều trên các diễn đàn

Để hiểu được những dòng viết tắt có nghĩa gì, người đọc phải biết được tính cách, hoàn cảnh hiện tại của người viết, cố gắng suy nghĩ để có thể dịch ra được một từ. Vì thế, kiểu viết tắt này thường không nhằm mục đích giữ bí mật mà người viết muốn tìm xem có ai thật sự hiểu và quan tâm đến mình hay không.

Chữ họa hình

Các kiểu chữ viết trên thường bị mọi người phê phán bởi tính khó hiểu, thế nhưng, xu hướng chữ họa hình lại nhận được nhiều hưởng ứng từ rất nhiều người không chỉ riêng giới trẻ. 

Cách viết họa chữ thành hình ảnh vừa thể hiện được sự sáng tạo của người viết vừa mang đến điều thú vị, dí dỏm cho người xem. Không còn là con chữ bình thường nữa, những dòng viết trở nên sinh động hơn khi được thay thế một số từ ngữ bằng hình vẽ ngộ nghĩnh.
Tin nhắn tỏ tình bằng chữ họa hình

Tiêu biểu nhất là tin nhắn lời tỏ tình khá dễ thương được đăng trên các trang mạng xã hội, thu hút hơn 2.000 người like và 264 lượt chia sẻ. Những tin nhắn kiểu này đều được các bạn trẻ khéo léo thay những con chữ khô khan đơn thuần thành những hình ảnh nhà lầu, xe ô tô, tiền, điện thoại hay các hình ảnh mang cảm xúc như trái tim, buồn, vui, tức giận…
Bình Ngô Đại Cáo đầy ngộ nghĩnh của giới trẻ

Bài thơ Từ Ấy của Tố Hữu
Không ngăn cản được trào lưu của giới trẻ
"Chữ viết của giới teen, giới trẻ sáng tạo ra. Nhưng giới trẻ là tương lai của đất nước. Dẫu muốn hay không, chúng ta cũng không ngăn cản được trào lưu viết tắt của giới trẻ trong thời đại Internet, điện thoại di động mà chúng ta đang trải qua".
TS. Nguyễn Vĩnh Tráng, tu nghiệp tại Pháp
Một vấn đề phổ biến trong giới trẻ
"Viết tắt hay sử dụng ký hiệu hiện nay là một vấn đề phổ biến trong giới trẻ. Ngôn ngữ này có thể sử dụng hàng ngày, giữa bạn bè với nhau, nhưng trong bài luận, đơn xin việc thì tuyệt đối không. Cần phải biết chung tay giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt".
TS. Lê Khắc Cường, giảng viên môn Nhân học ngôn ngữ
Đó là quy luật chung của xã hội và ngôn ngữ
"Với tư cách một người nghiên cứu ngôn ngữ, cũng như nhiều người yêu tiếng Việt khác, tôi luôn mong muốn cho tiếng nước mình phát triển khỏe mạnh và trong sáng. Cái lo này dựa trên cả mặt cảm tính và lý tính. Cảm tính ở đây là lòng yêu nước, yêu tiếng Việt. Nhưng về mặt lý tính, chúng ta cũng nên nhìn nhận hiện tượng này một cách khách quan vì nó là một quy luật của xã hội và của cả ngôn ngữ nữa. Xã hội thay đổi thì ngôn ngữ cũng biến đổi, và đến lượt mình, ngôn ngữ cũng tác động trở lại cuộc sống".
TS Ngôn ngữ học Mai Xuân Huy, Viện nghiên cứu ngôn ngữ học
Ảnh Internet
Theo: tiin.vn

0 nhận xét:

Post a Comment